Tìm kiếm Blog này
Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014
Ngô Mạnh Tuân .01648.035.888
Thương hiệu một làng mai
Thương hiệu một làng mai |
Cứ mỗi độ xuân về, tết đến, làng mai Háo Đức (xã Nhơn An, huyện An Nhơn, Bình Định) lại rộn ràng, nhộn nhịp, tấp nập xe cộ đi, về mua bán cây mai. Một làng quê vốn yên ả bỗng chốc thành thị trường sôi động. Cây mai xuân ở đây đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc, thu hút khách hàng tìm đến với làng. Cả làng (thôn) Háo Đức có 462 hộ thì hầu như hộ nào cũng trồng mai. Hộ ít cũng 300- 400 chậu, nhiều lên đến 5.000 chậu mai lớn, nhỏ. Mỗi năm giá trị đưa ra thị trường từ cây mai lên đến 6-8 tỷ đồng. Nhiều người trồng mai giàu lên. Hiện tại cây mai từ Háo Đức đã lan sang 5 thôn còn lại của xã. Trong đó có 3 thôn được tỉnh công nhận “Làng nghề trồng mai cảnh”.
Xứ sở của cây mai:
Cách đây khoảng 30 năm, vào đầu thập niên 80 ông Đặng Xuân Lang (thôn Háo Đức) đem về giống mai xuân, trồng, tạo dáng, thế, chơi trong dịp tết. Sau đó con ông là ông Đặng Xuân Sự nhân ra, trồng cả vườn. Nhiều người đến chơi thấy mai nở đúng vào dịp tết rất đẹp, sau đó mua về trưng ở nhà mình. Tiếng lành đồn xa nhiều người ngoài huyện, ngoài tỉnh cũng đến hỏi mua. Từ đó không riêng ông Sự mà nhiều người thôn Háo Đức cũng trồng mai. Theo nhu cầu của thị trường, làng mai tự phát, phát triển từ lúc nào chẳng biết.
Háo Đức là một làng quê như bao làng quê lam lũ ở Bình Định. Một bên là con sông nhỏ, như con rồng uốn lượn, chảy qua ven làng. Bờ sông tre mọc um tùm. Một bên sông là ruộng lúa phì nhiêu, một bên là làng quê yên tĩnh. Đi dọc con đường ven sông, nhà nào cũng trồng cây mai. Mai kín vườn, kín sân, mai bao quanh sát vách nhà. Hầu như chỗ nào trống trong vườn cũng dành cho cây mai, hầu như không có loại cây nào khác xen vào. Người ta tính trung bình mỗi gia đình ở Háo Đức có gần 1.000 chậu mai.
Có người hỏi tại sao cây mai chỉ phát triển ở Háo Đức, bây giờ là cả xã Nhơn An, chứ không phải nơi khác? Đem câu hỏi này hỏi những người như ông Đặng Xuân Sự, ông Lê Văn Phú, Bùi Thành Long, Đỗ văn Khoa… những người khởi xướng và trồng mai với số lượng lớn, và một số chuyên gia về cây trồng thì được trả lời rằng: Do thổ nhưỡng, nước tưới, khí hậu ở đây phù hợp.
Hằng năm phù sa bồi đắp đôi bờ vùng đất soi của các con sông trong vùng Nhơn An: sông Đập Đá, sông Gò Chàm (bắt nguồn từ sông Kôn). Đây là loại đất phù sa có pha cát mịn, vừa nhiều chất dinh dưỡng, lại vừa thoát nước tốt. Lấy loại đất này về trộn thêm một ít đất thịt ngoài ruộng phơi khô, cùng với mùn dừa (xay ra từ xơ dừa) đem ủ với một lượng phân lân vừa phải, sau 5 ngày thì sử dụng được, và là đất chuyên để trồng cây mai. Căn bản là nước tưới, sông chảy qua làng, người trồng mai đặt máy bơm bờ sông, bơm nước về tưới cho cây mai. Dù người trồng ở ven sông hay xa hơn, cũng đều lấy nước từ con sông này, chứ không lấy nguồn nước nào khác. Người trồng mai giải thích: Nước sông có chứa nhiều chất khoáng, vi lượng, không chua phèn như nước giếng nên tưới cho cây mai rất tốt. Có người hỏi tại sao nhiều nơi cũng có sông mà cây mai ít phát triển? Người trồng mai ở đây cho rằng, hình như có một cái tâm, có một niềm đam mê của con người thì cây mai mới đem đến cho con người cái lợi từ nó.
Trồng, tạo dáng cho mai:
Người trồng mai rất công phu trong việc chọn tạo cây giống tốt. Phải là giống mai xuân, hoa kín cánh: mai giảo, cúc mai, mai huỳnh tỷ… có màu vàng tươi đặc trưng, nở đúng tết, cành nhánh dày, nụ hoa dày thành chùm… Cây mai giống, qua mùa cho hoa chơi tết, người trồng cho cây đậu trái, tạo hạt, để lấy hạt ươm thành cây mai con.
Khoảng tháng hai (ÂL) ươm hạt, tháng 4 trồng vào chậu, tháng 10 tạo dáng. Sau đó cứ một năm tạo dáng 3 đợt. Anh Phan Văn Trung: Căn bản là thời điểm tạo dáng ban đầu. Khi trồng nhớ bấm rễ cọc để cây mai ra rễ chùm, đó là cơ sở để sau này tạo bộ đế (gốc) đẹp. Không phải hình xoắn ốc như thời trồng mai ban đầu, cây mai bây giờ phải uyển chuyển, dáng thế đẹp hơn. Uốn thân cây mai theo hình chữ “Nữ”, tức là góc uốn của thân hẹp, dạng hình zích-zắc, lượn theo một trục đứng, nhưng không cứng nhắc, mà thật tự nhiên, như một cây phát triển bình thường. Nhìn tổng thể cây mai có dáng đẹp phải có bộ đế (rễ, gốc) chuẩn: rễ chùm bao quanh; gốc to sù sì, uốn cong; thân hình chóp, chi (cành) phân đều cân đối xung quanh, chi dưới phải to hơn chi trên. Mỗi chi có cành, nhánh cũng uốn lượn, cân đối. Khi ra hoa phải thành chùm, điều căn bản là nở đúng tết.
Để cho cây mai nở đúng tết người trồng phải có nhiều kinh nghiệm. Ngoài chăm bón đúng mức, tức là bón phân, phun thuốc trừ sâu, bệnh hàng tháng, còn phải “nhìn” thời tiết. Năm nào khả năng lạnh kéo dài thì vặt lá trước tết khoảng một tháng. Nếu ít lạnh hơn thì vặt lá trước khoảng 20 ngày. Trước tết khoảng 3 tháng, nhìn mai ra nụ, đây cũng là yếu tố để người trồng biết được lúc mai nở, để vặt lá đúng lúc. Một số nhà vườn ở đây cho rằng: Năm nay mưa nhiều, mới đầu tháng 10 (ÂL) nụ đã to, khả năng nở sớm. Nếu lạnh kéo dài thì nở đúng tết.
Thị trường và tâm sự của người trồng mai:
Mai bán đựơc giá, căn bản là nở đúng tết. Các đầu nậu, thương lái mua gom mai, từ Sài Gòn, Hà Nội, Tây Nguyên, tháng Chạp bắt đầu đến làng mai. Họ dạo khắp các nhà vườn, thấy đâu có mai ưng ý là đặt cọc, để rồi đến khoảng nửa tháng Chạp là đến mua chở đi khắp nơi.
Nhiều người chơi mai tết không những trưng cho đẹp mà còn thử vận hên, xuôi trong năm mới. Người ta cho rằng, nếu mùng một tết mai nở đồng loạt, sặc sỡ sắc vàng là năm đó gia đình buôn bán, làm ăn phát đạt, còn ngược lại hoa nở lèo tèo thì làm ăn không ra sao. Dẫu sao đó cũng chỉ là quan niệm một số người mà thôi, chứ thực tế mai nở nhiều, ít là do thời tiết, cách chăm bón trước đó, chứ không liên quan gì đến việc làm ăn, hên xuôi cả.
Anh Phan Văn Trung chỉ mới trồng mai 10 năm nay. Ngoài đất vườn nhà, anh thuê 2 sào đất ruộng trồng mai. Trong vườn luôn duy trì trên 1.500 chậu mai đủ cỡ: mới trồng, 3 năm, 4 năm, 5 năm… Anh nói rằng, anh chỉ bán những cây từ 4 năm trở lên, làm sao tối thiểu phải đạt 500 ngàn đồng/chậu mới bán. Mỗi năm anh thu về khoảng 150 triệu đồng (chưa trừ vốn đầu tư phân bón thuốc trừ sâu khoảng 50 triệu đồng/năm). Anh là người thu nhập trung bình của làng mai mà có mức như vậy là hơn làm ruộng nhiều. Ở đây chỉ một sào ruộng (500m2) cho một nhân khẩu thì họa hoằn chỉ đủ gạo ăn hàng năm mà thôi.
Anh Phan Văn Sáu hiện có 3.000 chậu mai đủ cỡ, ngoài tự trồng, anh còn mua mai nhiều năm tuổi các nơi về chỉnh sửa bán lại. Thu nhập hàng năm cũng khá cao. Căn bản là anh biết dùng biện pháp sinh học để canh tác: dùng thuốc trừ sâu sinh học, tỉa cành hợp lý, bảo vệ thiên địch… vừa bảo vệ môi trường, sức khỏe cho người trồng, vừa tạo cho cây có sức đề kháng cao, phát triển bền vững ít sâu bệnh… Nhiều người trồng mai ở Háo Đức cũng dùng biện pháp sinh học trong trồng mai thay cho biện pháp hóa học độc hại lâu nay.
Phát triển làng mai:
Theo ông Phan Thanh Dần- Chánh văn phòng - Thư ký UBND xã Nhơn An: Phong trào trồng mai ở Háo Đức đã phát triển rộng khắp. 3 thôn: Háo Đức, Thuận Thái, Thanh Liêm có số hộ trồng mai lên đến 900 hộ chiếm trên 80% tổng số hộ. 3 thôn này vừa được tỉnh Bình Định công nhận “Làng nghề trồng mai cảnh”. Ba thôn còn lại của xã cũng có trên 70% người trồng mai. Trong tương lai không xa tỉnh sẽ công nhận tất cả 6 thôn xã Nhơn An là làng nghề trồng mai cảnh.
Nhiều người ở ngoài xã, ngoài huyện, có vốn, cũng đến Nhơn An thuê đất trồng mai. Từ đó góp phần nâng cao giá trị đất sản xuất, đất thổ cư ở đây.
Từ vùng đất thuần nông, chuyển qua làng nghề trồng mai cảnh để có thu nhập bình quân 60 triệu đồng/sào (cao hơn nhiều so trồng lúa), giải quyết được công ăn việc làm, thu nhập cao cho người nông dân là một thành công của làng mai Háo Đức. Giờ đây phong trào trồng mai phát triển rộng khắp toàn xã Nhơn An. Cây mai ở đây đã trở thành thương hiệu lớn, cả nước đều ưa chuộng. Nhiều dịch vụ ăn theo cây mai: nghề làm chậu kiểng, nghề tạo dáng cây, buôn bán chậu men, phân bón, thuốc trừ sâu… cũng phát triển. Tuy vậy phải triệt để dùng biện pháp sinh học để canh tác cây mai tránh ô nhiễm khu dân cư từ thuốc hóa học độc hại thì cây mai mới thật sự đem lại sắc xuân cho mọi nhà
Y.V
|
mai bonsai Bình Định
Cây mai cúc cổ thụ gần 100 tuổi được trả đến 200 triệu đồng
Độc sầu mai bonsai Bình Định
Thứ Bảy, ngày 25/01/2014 16:37 PM (GMT+7)
Tinh túy mai vàng đất võ Bình Định đang hội tụ, phô diễn lắng đọng trên nhiều tuyến phố Quy Nhơn.
Trong cơ man các loài hoa đủ kiểu, dân sành điệu vẫn “đắn đo” lâu nhất bên các điểm bày bán mai bonsai. Từ loài cây chỉ chơi hoa, các nghệ nhân đã “phù phép”, tạo nên vẻ đẹp cổ thụ trong hình hài bonsai, làm người thưởng cây không chỉ cảm nhận vẻ đẹp của hoa vàng pha lẫn dáng thời gian, nguồn cội.
Thôi thì đủ các dáng thế, từ trực, đổ, đến bay, suy phong,… Sự hài hòa giữa màu sắc và đường nét, tất cả hướng tới sự tuyệt mỹ của những tứ thơ thâm trầm, siêu thoát.
Cái đẹp như muôn đời vẫn thế, chỉ cảm nhận và chiêm nghiệm thôi. Những cội mai bonsai sâu sắc đã điểm them sự sang trọng mùa Xuân ở thành phố biển Nam Trung bộ này…
Thôi thì đủ các dáng thế, từ trực, đổ, đến bay, suy phong,… Sự hài hòa giữa màu sắc và đường nét, tất cả hướng tới sự tuyệt mỹ của những tứ thơ thâm trầm, siêu thoát.
Cái đẹp như muôn đời vẫn thế, chỉ cảm nhận và chiêm nghiệm thôi. Những cội mai bonsai sâu sắc đã điểm them sự sang trọng mùa Xuân ở thành phố biển Nam Trung bộ này…
Cây mai cúc cổ thụ gần 100 tuổi của nghệ nhân Hồ Tiến Dũng, được trả đến 200 triệu đồng nhưng chủ nhân chưa muốn bán
Mai bonsai dáng thiếu nữ
Một góc gian hàng mai bonsai của nghệ nhân Hồ Tiến Dũng
Cây mai dáng trực của nghệ nhân Thanh Kỷ, có giá 16 triệu đồng
Khách đang ngắm chọn mai tại gian hàng của nghệ nhân Bùi Văn Nhàn
Một chậu mai dáng đổ… tuyệt kỷ
Mai bonsai dáng trực, giá 15 triệu đồng, của nghể nhân Bùi Văn Nhàn
Theo Ngô Sơn – Hùng Phiên (Dân V
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)