Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Ghép mai - những kỹ thuật cơ bản

Ghép mai - những kỹ thuật cơ bản
19/08/2011


Ghép mai có rất nhiều cách ghép như: Ghép xuyên tâm, ghép áp cành, ghép chồi, ghép mắt ngủ... Nhưng hiện tại việc ghép mắt ngủ được nhiều người sử dụng nhất, vì dễ làm, dẽ thành công, xin giống dễ...
Trước hết xin giới thiệu cách ghép mắt ngủ (theo kinh nghiệm bản thân).
1- Chọn gốc ghép: Việc chọn gốc ghép tùy theo sở thích của từng người. Thông thường gốc ghép được chọn là gốc mai tứ quý (giống này rất khỏe, ít sâu bệnh), hoặc gốc mai rừng (5 cánh). Bất kể giống mai vàng nào cũng có thê dùng làm gốc ghép. Nhưng tiêu chí đặt ra là phải khỏe, dáng đẹp. sau khi chọn gốc ghép xong, khoảng tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, dùng cưa cắt hết cành nhỏ, tạo dáng theo ý mình, nếu không cần dáng của gốc ghép thì cắt ngang thân cách mặt đất khoảng 15 đến 20 cm. Tưới phân hữu cơ có pha B1 hoặc Atonic kích thích nhảy chồi non. Khi chồi non nhú ra (thường rất nhiều). Ngắt bỏ những chồi mọc không đúng hướng mình định ghép. Bón thúc cho chồi non mập mạnh, khi chồi mới có thân to cỡ chiếc đũa là có thể tiến hành ghép được rồi.
2- Chuẩn bị ghép: Việc trước tiên bạn kiểm tra xem các chồi ghép đã sẵn sàng chưa, bằng cách như sau: Dùng mũi dao nhỏ, sắc, tách thử một chút vỏ trên mầm thân ghép. Nếu thấy giữa phần vỏ và phần thân gỗ dễ dàng tách rời nhau, có vẻ láng ướt nhựa. Như vậy là thời điểm ghép tốt nhất đã đến.
3- Chọn giống & ý tưởng ghép: Một gốc ghép có thể cùng lúc ghép nhiều giống mai khác nhau, lưu ý các giống mai khỏe như Giảo , Mai trâu... ghép dưới thấp, các giống trung bình như mai xanh, mai hương ... ghép ở giữa. Các giống thể trạng yếu như mai trắng, mai cúc, mai 50, 120 cánh... ghép trên phần ngọn. Cách bố trí phải hài hòa, đảm bảo các mầm ghép sẽ phát triển cân đối. Các cây giống  nếu ở gần gốc ghép thì thuận tiện nhất. Nếu giống ghép ở xa gốc ghép, chuẩn bị sẵn một bịch nilon, sau khi cắt cành có mắt ngủ, nhúng vô nước, lấy ra cho vào bao nilon cột lại.
4- Cách ghép: Sau khi đã xách định xong giống cần ghép. Chọn cành không già, không non. Nếu được cành có tuổi tương đương với mầm tại gốc ghép là tốt nhất, các mắt cuống lá phải còn xanh, hơi phồng lên (trường hợp lá đã rụng). Nếu trường hợp lá chưa rụng, dùng kéo cắt lá đi (chừa lại phần cuống lá). Dùng dao sắc kiểm tra xem vỏ và phần thân gỗ có dễ dàng tách rời nhau không (giống như phần kiểm tra tại thân ghép). Nếu khi tách ra hai phần không dễ dàng mà cố tình ghép thì 99% sẽ thất bại.
Bổ sung:
+ Nên ghép mai vào khoản cuối tháng 3 âm lịch đến khoản cuối tháng 4 - khi cây mai đã hồi phục trở lại sau khi dùng sức nuôi hoa. và chồi mới phát triển mạnh.
+ gốc ghép và mắt ghép ( cành ghép ....) phải cùng loài, hoặc cùng giống với nhau thì sau khi ghép cây mai mới sinh trưởng tốt.
-Việc cắt thân ghép vào khoảng tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, mầm ghép có thể ghép được vào đầu mùa mưa (khoảng tháng 4 âm lịch) như bạn nói. Nhưng khi ghép mai người ghép  muốn có một giống mai mới, không mấy người đi ghép mắt ghép với thân ghép cùng giống
Tại phần thân ghép dùng dao tách một miếng vỏ hình chữ nhật ( kích thức khoàng 0.5 x 1 cm theo chiều dọc của mầm ghép (lưu ý càng sát gốc mầm càng tốt, tách bất kể chỗ nào, không cần phải là vị trí cuống lá). Tách xong tạm thời chưa lấy miếng vỏ ra vội (tránh khô nhựa). Tại phần giống ghép cũng tách một miếng tương tự  (nhưng phải ở vị trí cuống lá, có mắt lá như đã trình bày trên). Nhanh chóng lấy miếng ghép áp khít vào thân ghép ( sau khi đã lấy miếng vỏ tách sẵn tại mầm ghép ra, quay mắt ngủ lên trên, nếu muốn sau này cành mai hướng lên trên, nếu muốn có cành mai lạ mắt có thể quay mắt ngủ xuống dưới, sau này bạn sẽ có một cành mai đâm xuống dưới sau đó mới ngóc lên). Đây là công đoạn quan trọng nhất, miếng ghép phải thật khít, không được để dính nước. Nhanh chóng dùng dây nilon (loại trong, giúp mầm cây có thể quang hợp được). Buộc chặt, kín mắt ghép không để nước mưa lọt vào (không nên thắt nút trên mắt ghép). Cắt bớt mầm thân ghép (để lại khoảng 20 cm, có 3 đến 4 lá) giúp cây tập trung dinh dường nuôi mầm ghép. Đưa cây vào chỗ mát, 3 ngày đầu chỉ tưới gốc, không tưới lên cây. các ngày sau tưới ướt cả cây luôn. Khoảng 10 ngày sau đưa cây ra nắng lại. Sau 15 ngày có thể mở dây nilon để biết kết quả. Khi mở ra nếu miếng ghép khô tự rơi ra. Coi như phải làm lại, kiểm tra cả quá trình xem có sai sót gì không??? Nếu miếng ghép dính chặt, còn tươi coi như bạn đã thành công. Việc còn lại là chăm bón cho mầm cây phát triển. Khi mầm ghép lên được khoảng 2 đến 3 cm, ta cắt nốt phần còn lại của mầm ghép (cắt cách mắt ghép khoàng 2 cm), bôi vôi vào vết cắt tránh sâu bệnh.
(Theo dalatrose.com)
Một số kinh nghiệm khác:
Nghệ nhân Nguyễn Văn Quý (tức Hai Túc) ở xã Long An, huyện Châu Thành, Tiền Giang là một "lão tướng" trong nghề trồng mai và cây ăn trái. Dưới đây là một số kinh nghiệm của ông trong việc ghép và chăm sóc gốc ghép đối với cây mai.
1. Chọn gốc ghép:
Có thể dùng gốc mai vàng (loại mai đang được trồng phổ biến ở Nam bộ), hoặc tốt nhất là gốc mai tứ quí vì loại này sinh trưởng khỏe, dễ ghép, dễ thành công, đủ sức mang trên mình nhiều giống mai khác. Những gốc này càng lớn càng tốt, dùng cưa cắt ngang thân cây cách mặt đất khoảng vài tấc đến một mét (tùy theo thế của cây sau này định tạo là cao hay thấp) sau khi cưa, chăm sóc (bón bổ sung thêm phân, tưới đủ nước) chu đáo để cây nẩy tược, chờ cho tược lớn cỡ điếu thuốc lá là có thể ghép được (để cho dễ phân biệt tạm gọi mỗi tược mới ra sau này là một gốc ghép, còn gốc cây mẹ vừa được cưa bỏ phần ngọn là thân chính). 
2. Chọn cây lấy giống để ghép:
Trong dân gian hiện nay có khá nhiều loại mai đẹp như: Bạch mai (hoa màu trắng), Hồng mai (hoa màu vàng hồng), Thanh mai (hoa màu phớt xanh), Huỳnh mai (hoa màu vàng). Riêng Huỳnh mai cũng có nhiều loại từ 9, 12, 24... cho đến 60 cánh, thậm chí có loại lên tới 150 cánh. Chúng ta có thể sưu tầm và chọn lựa loại nào ưng ý để làm giống ghép vào gốc ghép (để dễ phân biệt phần này tạm gọi là cành ghép).
3. Về cách ghép:
Áp dụng một trong những cách ghép sau đây, tùy theo tình hình cụ thể mà chọn cách ghép nào cho phù hợp.
Ghép bo:
Trên gốc ghép cách thân chính (chỗ tược mọc ra từ thân chính) khoảng 1 tấc dùng dao ghép (có mũi nhỏ, nhọn, sắc, cứng) rạch hai đường song song với gốc ghép cách nhau khoảng 5mm, dài 1 phân, phía trên cắt một đường nằm ngang nối liền hai đường song song với nhau tạo thành hình chữ U ngược (phần này gọi là "cửa sổ"). Cành dùng để lấy "bo" giống phải có độ lớn tương đương với gốc ghép. Trên cành giống, chọn mắt mầm còn tốt, sau đó, cũng rạch hai đường song song ở hai bên của mắt mầm cách nhau khoảng 4mm. Tiếp tục cắt hai đường nằm ngang ở phía trên và phía dưới của mắt mầm cách nhau khoảng 9 ly, tạo thành một hình chữ nhật có cạnh là 4mm và 9mm, ở chính giữa là mắt mầm (phần này gọi là "bo"). Dùng mũi dao ghép tách "bo" ra khỏi cành giống sau đó tách lớp vỏ trên cửa sổ, rồi đặt "bo" vào "cửa sổ" ép nhẹ tay cho "bo" ôm sát với phần gỗ của gốc ghép, rồi dùng dây nilon quấn đủ chặt để ép "bo" vào với gốc ghép. Khoảng nửa tháng sau mở dây, kiểm tra nếu thấy "bo" còn sống thì dùng kéo cắt cành cắt bỏ phần trên của gốc ghép (cắt cao hơn chỗ ghép khoảng 2 phân). Chờ một thời gian mắt mầm sẽ nẩy tược phát triển thành cây mai sau này.
Ghép áp:
Trong trường hợp này gốc ghép phải được trồng trong chậu (hoặc bầu đất) đề có thể di chuyển được. Trên cây định lấy giống chọn cành có độ lớn tương đương với gốc ghép (cỡ bằng đầu đũa ăn hay điếu thuốc lá) dùng cọc tre hay thang, ghế kê, treo cao chậu chứa gốc ghép sát gần với cành ghép trên cây định lấy giống.
Trên gốc ghép cách thân chính khoảng 1 tấc lấy dao ghép cắt vạt một miếng dài 2 phân, sâu vào khoảng 1/4 độ lớn của cành cho lộ tầng sinh gỗ. Trên cành ghép cũng cắt một miếng tương tự như vậy áp sát hai mặt vừa cắt lại với nhau, dùng dây nilon quấn ép chặt lại. Khoảng một tháng sau mở dây kiềm tra, nếu thấy chỗ ghép đã dính thì cắt bỏ phần ngọn của gốc ghép và cắt đứt khoảng 1/3 cành ghép (cắt ở phía dưới của chỗ ghép). Hai tuần sau đó cắt đứt hoàn toàn rồi đưa cây vào chỗ mát để dưỡng.
Ghép nêm:
Các công việc ban đầu cũng giống như đã nói ở phần ghép áp (tức là gốc ghép cũng phải được trồng trong chậu, cũng lấy cọc, thang ghế kê cao v.v...) nhưng thay vì cắt vạt hai miếng ở gốc ghép và cành ghép rồi áp sát và quấn chặt lại với nhau thì ở cách ghép này, chú Hai Túc cắt bỏ phần ngọn của gốc ghép (cách thân chính khoảng 1 tấc rồi dùng dao ghép cắt vạt hai bên chỗ vừa cắt thành hình nêm dài khoảng 1,5- 2 phân (phần này gọi là lưỡi gà.
Trên cành ghép cắt một nhát xiên từ dưới lên cũng dài khoảng 1,5-2 phân tương đương với độ dài của lưỡi gà (cắt sâu vào khoảng 1/3 độ lớn của cành). Sau đó luồn lưỡi gà vào bên trong chỗ vừa cắt trên cành ghép, dùng tay ép nhẹ cho chúng ăn khớp với nhau rồi dùng dây nilon quấn vừa đủ chặt. Khoảng một tháng sau mở dây ra kiểm tra nếu thấy chỗ ghép đã dính thì cắt đứt 2/3 cành ghép (cắt phía dưới chỗ ghép), sau khoảng nửa tháng thì cắt đứt hoàn toàn rồi đưa cây vào chỗ mát để dưỡng.
Ghép khúc cành:
Trên gốc ghép cách thân chính khoảng 1 tấc rạch một đường dài 1,5 phân song song với thân chính, phía trên đầu rạch một đường ngang dài khoảng 1 phân (tạo thành hình chữ T). Nếu gốc ghép lớn cỡ điếu thuốc lá thì chọn cành ghép lớn hơn ống nhựa chứa mực của cây viết bi một chút rồi cắt thành đoạn dài khoảng 2-3 phân (có chứa 2-3 mắt mầm) cắt bỏ lá rồi dùng dao cắt vạt xéo một đoạn dài khoảng 6-8 ly ở đầu dưới của đoạn cành ghép vừa cắt, dùng mũi dao ghép tách mở hai bên vỏ của hình chữ T rồi đưa mặt vừa cắt vạt trên cành ghép áp sát vào phần gỗ của gốc ghép. Dùng dây nilon quấn vừa đủ chặt. Sau khi ghép khoảng 2-3 tuần nếu thấy đoạn cành ghép còn sống thì cắt bỏ đoạn trên của gốc ghép (cắt cách chỗ ghép khoảng 2 phân). Với các cách ghép trên đây chú Hai Túc đã ghép được rất nhiều gốc mai đẹp để chưng chơi hay tặng cho bè bạn trong các dịp đầu Xuân.

Không có nhận xét nào: